Trong kí ức của người dân Việt Nam, sáng ngày 30 tết, bên bếp lửa, nồi bánh chưng toả hương thơm của gạo hoà vào vị thơm lá dong làm nên dư vị đặc trưng của ngày tết, phong tục gói bánh chưng ngày tết còn có ý nghĩa kết nối tình cảm các thành viên trong gia đình. Bước vào thời đại công nghệ hóa hiện đại hóa, sự phát triển của khoa học công nghệ và sự đổi thay trong quan niệm, lối sống của con người sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều giá trị cổ truyền trong đời sống ít nhiều bị thay đổi, mai một và thất truyền. Thế nhưng, xã hội càng phát triển, con người hiện nay đang có xu hướng trở về những điều tốt đẹp xưa cũ, tìm về những giá trị cổ truyền để cân bằng đời sống tinh thần. Phong tục gói bánh chưng ngày tết vì thế mà không bị mất đi, được duy trì trong mỗi gia đình. Việc gói bánh chưng ngày tết ở gia đình người Việt Nam không đơn thuần là giá trị vật chất mà gói ghém trong đó biết bao điều về mong muốn trong không gian ngôi nhà có không khí tết, người già mong muốn con trẻ có những trải nghiệm về văn hoá tết để thêm yêu thương, gắn bó với gia đình, tự hào về truyền thống của dân tộc. Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của gia đình, niềm đam mê làm bánh của bản thân và gia tăng thu nhập cho gia đình, chị Tôn Thị Quỳnh My đã tự tay làm những chiếc bánh chưng thơm ngon để phục vụ nhu cầu sử dụng của khách hàng ở khắp mọi miền cả nước với tên gọi là “Bánh chưng MYTON”. Cơ sở sản xuất bánh chưng của chị My nằm ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và được đăng ký hộ kinh doanh năm 2023.
Nguyên liệu chính để làm bánh chưng là nếp và hạt đậu xanh, những món lương thực quan trọng bao đời nay nuôi sống người Việt, cách thức gói bánh và sự kết hợp các nguyên liệu gợi lên sự gắn kết chặt chẽ và sự hài hoà trong cuộc sống của con người để làm nên những điều tốt đẹp. Điều làm nên sự khác biệt của chiếc bánh chưng nơi đây là vì khâu chọn nguyên liệu từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo đến chuối đều rất khắt khe, tỉ mỉ. Nguyên liệu nếp được cung cấp bởi HTX NN Phổ Châu, đậu xanh do Hộ kinh doanh Cường Thịnh cung cấp và cả 2 sản phẩm này đều đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh; thịt heo làm nhân bánh là heo sạch chị tự nuôi, không sử dụng chất bảo quản; nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, đảm bảo chất lượng đã làm nên những cái bánh chưng thơm ngon, đậm vị. Nếp rửa sạch ngâm trong 8-10 tiếng, đậu xanh ngâm 4 tiếng và được hấp chín để làm nhân bánh. Cho nếp, đậu xanh đã hấp chín và thịt heo đã tẩm ướp gia vị vào khuôn bánh và gói bánh bằng lá chuối, khi gói bánh cần phải rất khéo léo, nếu như gói lỏng tay khi bánh chín sẽ bị nhão và không còn được vuông vắn. Để bánh chín đều, dẻo thơm phải nấu bánh suốt 17 tiếng, bánh vớt ra để nguội, dán nhãn, đóng gói hút chân không để bảo quản được lâu hơn và gửi bánh đi xa cũng không bị hỏng. Bánh chưng đã đóng gói bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh thì sẽ sử dụng được trong 10 ngày.
Là một giáo viên dạy mỹ thuật ở trường trung học cơ sở, Chị My luôn mong muốn truyền tải những nét đẹp văn hóa đến mọi người và học sinh cũng mình. Chị tham gia rất nhiều hội chợ, triển lãm ở trong tỉnh, ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của bản thân và đặt biệt là tham gia hướng dẫn gói bánh trải nghiệm cho các em nhỏ ở các buổi hội chợ để giúp các em phần nằm cảm nhận nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Mỗi năm chị My tiêu thụ khoảng 5.400 cái bánh chưng ở thị trường trong tỉnh và cũng gửi cho khách đặt mua ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,… chủ yếu bán nhiều trong dịp lễ tết. Sản phẩm bánh chưng My Tôn của chị My có thông tin ghi nhãn đầy đủ, sản phẩm được bao gói hút chân không để bảo quản được tốt, cơ sở sản xuất đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và đã công bố chất lượng sản phẩm, thử nghiệm sản phẩm định kỳ đầy đủ nên người tiêu dùng rất yên tâm khi sử dụng.
Chị My đã đăng ký sản phẩm “Bánh chưng My Tôn” tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm tại địa phương với mong muốn nâng tầm chất lượng sản phẩm truyền thống của dân tộc và mang đến sản phẩm ngon, sạch, chất lượng đến tay người tiêu dùng trên cả nước.